Sân si là cụm từ được sử dụng phổ biến kể từ khi mạng xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là facebook. Trước đó ở ngoài đời thực, chúng ta hay dùng ‘’đố kị, ghen ghét’’ làm tính từ khi nhận xét một người có thói quen thích so đo, dìm người khác xuống. Tuy sân si không được sử dụng đúng với nghĩa gốc của nó trên các trang mạng nhưng tác hại đối với cuộc sống con người là không hề nhỏ. Bài viết dưới đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu sân si là gì và ảnh hưởng của sân si nhé!
Sân si là gì?
Hiểu theo nghĩa giới trẻ hay dùng từ trên facebook, sân si ám chỉ những người thích xen vào chuyện của người khác, bới lông tìm vết để chứng tỏ người được ca ngợi vốn dĩ cũng chẳng hoàn hảo. Những người sân si thường có xu hướng đề cao bản thân, bao đồng, những cái không liên quan đến mình lại cứ nhúng tay xía miệng vào. Đâu đâu hay rong câu chuyện nào đến tai họ cũng thấy họ có mặt, khi ai đó đang khen một hành động tốt, họ cũng phải tìm cách chỉ ra bằng được khuyết điểm chỉ để cho rằng ‘’người kia cũng đến thế mà thôi’’.


Ở ngoài đời thực, nhân vật đặc tính sân si chẳng đâu xa ngoài mấy bà hàng xóm. Nhà bạn chuyện gì, dù tốt hay xấu bằng cách nào đó họ vẫn nghe được và lan truyền. Sân si đi kèm mức độ hóng hớt đỉnh cao, khả năng phân tích, bàn tán, mổ xẻ không thua kém chiêm nghiệm một tác phẩm văn học. Dù đó chẳng phải việc liên quan, ảnh hưởng hay động chạm gì đến họ nhưng họ cứ sân si, và coi đó là thú vui cho đỡ rảnh mồm rảnh miệng.
Trên mạng xã hội, từ các diễn đàn cho đến các ứng dụng quen thuộc, sân si là tính cách chẳng chừa một ai. Đặc biệt việc comment trên mạng là tự do ngôn luận, con người đua nhau bình phẩm, đánh giá, phán xét mà không sợ ai kết tội. Đối tượng bị sân si nhiều nhất là các idol nổi tiếng, khi sức ảnh hưởng của họ đến cộng đồng là vô cùng lớn. Ví dụ bắt gặp một diễn viên giàu có, người bình thường sẽ cho rằng do cô ấy phấn đấu bao năm sự nghiệp mới có được. Kẻ sân si buông lời cay đắng xì xào ‘’Ôi giời đại gia chống lưng, con đó chắc bán thân đổi lấy vai nên mới giàu có như thế’’.
Nguồn gốc của sân si?
Ít ai biết sân si có nguồn gốc từ Phật pháp, đầy đủ là Tham – Sân -Si. Cắt nghĩa từng từ này để hiểu sâu hơn về sân si các bạn nhé!
Tham hiểu đơn giản là lòng tham của con người, mà con người là động vật có lòng tham vô đáy. Họ không bao giờ thấy đủ, luôn luôn muốn nhiều hơn nữa. Tham có thể là tham tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, thậm chí là dục vọng.
Tham tiền tài thì sao? Họ sẽ tìm đủ mọi cách để có nhiều tiền, bất chấp cả việc không lao động chân chính. Có thể là cướp đoạt, phạm pháp. Lòng tham khiến con người ta sống trong suy tính, thủ đoạn, tiền che mờ mắt, chỉ vì mong muốn được đứng trên đỉnh cao danh vọng mà có thể bán rẻ cả lương tâm.
Tham sắc đẹp thì sao? Là khi bạn không hài lòng về bất kì bộ phận nào trên cơ thể mình. Bạn luôn muốn nó phải đẹp hơn nữa. Tiêu chuẩn cho cái đẹp do người đời quy định tùy thời đại. Bạn chạy theo nó như một con thiêu thân. Xã hội hiện đại, phẫu thuật thẩm mĩ có thể dễ dàng thay đổi một con người, bạn sửa mắt, sửa mũi, sửa cằm,…sửa nát cả mặt vẫn chưa thấy đẹp. Đó là lòng tham. Tham quá, bạn hành hạ gương mặt mình vài lần, thậm chí lên đến cả vài chục lần.
Sân là tức giận, nóng nảy, dễ nảy sinh thù hằn. Những người có tính sân thường không bao giờ hài lòng với mọi thứ xung quanh ngoài bản thân mình. Họ luôn cho họ là nhất, là tuyệt vời. Bất cứ ai được tung hô, khen ngợi đều là cái gai trong mắt họ. Họ tìm cách dìm người khác xuống bằng mọi thủ đoạn, thậm chí hãm hại, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác.
Si là si mê, ngu muội. Người có tính si thường không có chính kiến, không phân biệt được đúng sai, phải trái, gió chiều nào theo chiều đấy. Họ dễ dàng trở thành công cụ để người ta sai khiến, không hề ý thức được mình đang bị lợi dụng. Cũng không biết nói họ đáng trách hay đáng thương.
Có thể thấy tham – sân – si là tính tư vô cùng xấu để chỉ tính cách của con người.
Tác hại của sân si đối với con người và cách thoát khỏi sân si


Sân si khiến con người rơi vào trạng thái bất mãn với cuộc sống, lúc nào cũng thấy khó chịu về thành quả hay mọi thứ tốt đẹp người khác có được. Họ coi mình là trung tâm vũ trụ, không bao giờ công nhận những thứ vượt trội. Tính tình nóng nảy, đa đoan, so đo, tính toán. Họ luôn sợ mình là người thiệt. Đáng sợ hơn, sân si kéo theo một loạt hành động có thể làm hại người khác,
Trên các trang mạng xã hội, sân si như một thói quen có thể coi là hành động body shaming và làm tổn thương tâm lí nặng nề. Điển hình như vụ cứu bé gái rơi từ tầng 12 chung cư của anh Nguyễn Ngọc Mạnh mới đây, 1 ngày trước con thấy cộng đồng mạng tung hô, khen thưởng, 1 ngày sau ai đó mang tính sân si đã đăng đoạn clip anh cứu cháu bé dưới một góc quay khác. Ngay lập tức trái chiều dồn đến, cho rằng anh chưa thực sự góp công lao gì to tác, còn đang vơ công lao về mình. Sự trở mặt nhanh chóng của những kẻ sân si khiến tâm lí người trong cuộc bị ảnh hưởng nặng nề. Họ dùng mọi lời nói công kích, hạ bệ anh. Dù anh chưa từng nhận mình là anh hùng và cũng chỉ mong ước được sống một cuộc đời bình thường.
Sân si xấu là vậy nhưng không phải không có cách khắc phục. Tuy không thể triệt để vì ghen ghét, đố kị, nhẹ hơn là chạnh lòng là cảm xúc tự nhiên của con người. Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nó xuống mức thấp nhất.
Đầu tiên, cá nhân cần ý thức con người không ai hoàn hảo, chúng ta có những điểm mạnh thì cũng tồn tại song song điểm yếu, thậm chí là những khoảnh khắc tệ hại. Mọi người xung quanh cũng giống chúng ta, đều là những bản thể méo mó cần hoàn thiện. Chấp nhận mình, chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung hơn với người, với đời, thông cảm cho những lúc người khác sai trái.
Thừa nhận ai cũng có quá khứ, quá khứ tồn đọng những điều xấu xí và muốn lãng quên. Đừng moi móc, phán xét cho rằng quá khứ người này tệ hại thì hiện tại và tương lai của họ cũng vậy. Vì bản thân chúng ta cũng không sống trong, sống sạch từ lúc sinh ra. Nên việc yêu cầu người khác hoàn mĩ là điều hết sức vô lí. Mọi sự so sánh đều mang tính tương đối và người sân si so sánh sẽ khiến vạn phép so trở nên chủ quan và khập khiễng.
Tìm hiểu sự việc đa chiều, bớt việc tự do bình luận người khác chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân.
Mong tất thảy chúng ta đều là những con người có lòng từ bi, bao dung và cảm thông với người khác. Sân si thực sự là tính xấu ai ai cũng cần khắc phục.