Thời gian gần đây, lướt các trang mạng xã hội, đi đâu chúng ta cũng bắt gặp cụm từ ‘’giả trân’’ hay ‘’không hề giả trân’’ xuất hiện trên khắp các status hay comment. Phần lớn cụm từ này được sử dụng bởi giới trẻ và nhanh chóng tạo thành trend trong cộng đồng mạng. Bắt chước nói theo thì dễ, nhưng hỏi ‘’Giả trân là gì?’’ thì nhiều người lại không biết.
Giả trân là gì?


Giả trân là sự kết hợp giữa Giả và Trân. Chúng ta hãy cùng tách nghĩa từng từ nhé.
Giả là gì thì ai cũng biết rồi phải không? Đó là không có thật, không thật, hoặc cố tạo ra như thật với mục đích đánh lừa, qua mắt người khác. Trân ở đây có nghĩa là trơ ra, phơi ra, nhằm ám chỉ trạng thái bất biến giữa mọi tác nhân và tác động từ bên ngoài, và không có vật che phủ, bảo vệ. Hiểu đơn giản cụm từ này nghĩa là hành động, phản ứng của một người/ 1 sự vật nào đó cố tỏ ra là giống thật nhưng có vẻ diễn xuất quá tệ, quá lộ liễu khiến người đối diện nhanh chóng nhận ra, khi bị phát hiện thì không biết xấu hổ.
Nguồn gốc của từ Giả trân?


Giả Trân vốn là tên của một nhân vật nổi tiếng trong Hồng Lâu Mộng, dù đã có vợ và một người con trai nhưng tính tình ăn chơi, trăng hoa và dâm đãng. Nhân vật này đã có những hành động biến thái và vi phạm đạo đức với cả em vợ và con dâu. Là đại diện cho kiểu người rất đáng lên án trong xã hội, có lẽ vì thế giả trân được sử dụng như một cụm từ chỉ những người/ sự vật/ hiện tượng không mấy tốt đẹp.
Một đoạn clip trên TikTok của nữ CEO được cho là ‘’cội nguồn’’ của cụm từ giả trân, cụ thể doanh nhân này đặt hàng và chờ người ta ship đến. Đến lúc nhận được điện thoại của shipper thì thời gian đã muộn 20 phút, dù anh chàng này ra sức giải thích là do trời nắng, tắc đường và đã cố hết sức để giao hàng tới nơi nhưng nữ doanh nhân này không những không thông cảm cho anh mà còn bom luôn hàng. Phận làm shipper chỉ biết coi đó như rủi ro nghề nghiệp, lủi thủi ra về.
Ra đến cửa thì anh chàng gặp một người phụ nữ trung niên bị ngất, theo phản xạ của một người tốt bụng, anh liền đỡ người phụ nữ này dậy và nhanh tay cầm điện thoại lục số của con gái bà. Oan gia thay, chủ nhân của số điện thoại đó chẳng ai khác ngoài nữ doanh nhân vừa bùng hàng của anh. Xấu tính nên cũng như người khác cũng xấu tính như mình, nữ doanh nhân gán tội cho anh là nguyên nhân gây ra tình trạng ngất xỉu của mẹ. Chỉ đến khi mẹ cô ta thều thào nói rõ sự tình, cô mới ăn năn kể lại hành động không đúng mực của mình, và chủ động xin lỗi. Đáng nói là vẻ mặt và lời xin lỗi của nữ doanh nhân này chỉ khiến người xem bất bình thêm khi nó vô cùng gượng gạo và có phần giả tạo.
Lời xin lỗi và thái độ nhận lỗi luôn là thứ cần thiết trong giao tiếp hàng ngày, nhưng nếu nó không thành khẩn và tôn trọng đối phương thì tốt nhất nó không nên được nói hay biểu hiện ra. Cụm từ ‘’giả trân’’, ‘’không hề giả trân’’ xuất hiện dày đặc trên các comment hoặc bài review về video triệu view hot hit này.
Một số câu nói chứa cụm từ ‘’giả trân’’ thường gặp
Phổ biến nhất là hiện nay, khi group anti mọc ra như nấm với sự hùng hậu của các anh hùng bàn phím, cụm từ này được sử dụng tràn lan như câu cửa miệng. Chủ yếu chúng ta thấy sự xuất hiện của nó trên các bức ảnh, video của người nổi tiếng như ‘’Nét diễn giả trân/ không hề giả trân, Biểu cảm giả trân/ không hề giả trân…’’


Một số câu nói tương tự như
‘’Nghe không hề giả trân.’’
‘’Sống giả trân ghê người.’’
‘’Mặc kệ tụi anti fan, chị đây vẫn cứ giả trân.’’
Thậm chí cụm từ này phổ biến đến nỗi có hẳn một group Hội những người giả trân được lập ra với số thành viên không thua kém gì các group anti. Họ tự hào với phương châm ‘’Ở đây không ai sống thật’’. Cùng điểm qua vài nữ ca sĩ được dân cư mạng gắn mác ‘’giả trân’’ thời gian gần đây nhé.
Đầu tiên phải kể đến hoa hậu Hương Giang với lùm xùm về những phát ngôn được cho là ‘’nữ hoàng đạo lý’’ trong các gameshow truyền hình. Thực chất người đời nói không sai, ‘’ghét ai thì họ thở thôi cũng thấy ghét’’, dù đánh giá của cộng đồng mạng trong các phát ngôn của Hương Giang nếu đặt từng ngữ cảnh thì không có gì là mâu thuẫn cả. Chúng ta thay đổi từng ngày, suy nghĩ và lí tưởng cũng từ đó mà thay đổi theo, một người cứ khư khư giữ mãi một loại quan điểm mới là phiên bản bảo thủ, không chịu thích nghi.
Liên tiếp sau đó là clip cô hoa hậu trước mặt tươi cười thân thiện với fan, vừa quay đi lại tỏ thái độ lạnh như băng. Tương tự ‘’ngọc nữ’’ Ninh Dương Lan Ngọc gần đây cũng bị tẩy chay dữ dội vì cái liếc mắt sắc lẹm và thái độ thờ ơ khi gặp đàn chị Thủy Tiên. Thực hư những lùm xùm này nếu chỉ qua lời thổi phồng của giới trẻ thì chưa thực sự toàn diện. Khi người trong cuộc chưa có bất kì động thái bất mãn nào thì tại sao người ngoài như chúng ta lại phán xét, thậm chí đạp đổ chén cơm của họ?
‘’Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam’’, thay vì nói ‘’giả trân’’ thì nhiều người lại thích nói theo kiểu ngược lại ‘’không hề giả trân’’. 2 câu nói tưởng chừng đối lập nhau nhưng đều là một, thậm chí cách nói đối ngược còn thể hiện thái độ mỉa mai hơn cách nói thẳng.
Cách đối phó với những con người ‘’giả trân’’
Người giả trân hay nói cách khác là đạo đức giả, vốn không ý thức được mặt xấu trong tính cách của con người mình. Cũng như xã hội có người này người kia, thay vì ghét bỏ họ cho mệt đầu thì chúng ta hãy tìm cách tránh xa họ. Trong các mối quan hệ thường ngày, nhận biết một người có thực sự giả trân hay không cần thời gian kiểm chứng. Vì vậy, đừng hết lòng vì ai quá, hãy giữ cho mình một chút để khi người đó có quay lưng, mình vẫn có cho bản thân một con đường lùi.
Rồi dần dà, khi có nhiều người lần lượt rời bỏ, họ sẽ tự nhìn nhận và kiểm điểm lại. Vốn dĩ không nên góp ý với họ khi bạn không đủ thân thiết, bởi như thế càng làm họ ghét bạn hơn thôi, bạn cũng trở thành người nhiều chuyện.
Giả trân nếu được sử dụng đúng ngữ cảnh như một tính từ để nhận xét, đánh giá thì không có gì đáng nói, nhưng nếu bị lạm dụng, biến thành câu cửa miệng lan truyền một cách bừa bãi thì chúng ta cần xem xét lại. Người giả trân là xấu, nhưng người chỉ vì bị ghét mà bất cứ hành động nào cũng bị coi là giả trân thì thật đáng thương.