Cảm xúc và hành vi là 2 yếu tố mật thiết ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống con người. Mỗi chúng ta đều khao khát trở thành một cá thể có thể hiểu người, hiểu đời, biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho hài hòa, phù hợp, từ đó tích lũy những bí quyết dẫn đến hạnh phúc, thành công. EQ ra đời như một chỉ số tuyệt vời giúp con người đo lường các loại cảm xúc.
Chỉ số EQ là gì?
EQ là viết tắt của Emotional Quotient, được hiểu là chỉ số cảm xúc. EQ biểu hiện khả năng xác định, đặt tên và theo dõi và kiểm soát các loại cảm xúc của chính bạn và những người xung quanh, từ đó quyết định tới hành vi của bạn. Có rất nhiều định nghĩa liên quan đến chỉ số này, điển hình nhất là phát biểu của nhà lý thuyết gia Howard Gardner ‘’Chỉ số EQ của bạn tượng trưng cho mức độ thấu hiểu của bạn đối với người khác, những gì thúc đẩy họ và làm thế nào để làm việc một cách hợp tác với họ”.


Khoa học đã chứng minh, người có chỉ số EQ cao là người đạt được nhiều hạnh phúc, thành công trong cuộc sống.
Những dấu hiệu của một người có chỉ số EQ cao


Luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực, không ngừng hi vọng về những điều tốt đẹp
Người có chỉ số EQ cao thường biết làm chủ cảm xúc của mình, không dễ dàng rơi vào trạng thái chán nản, tuyệt vọng khi khó khăn ập tới. Họ luôn tìm ra tia sáng dù là hiếm hoi trong nghịch cảnh, suy nghĩ nhiều hơn về giải pháp thay vì đắm chìm trong thực tại.
Khả năng nhìn nhận ưu điểm, chấp nhận yếu điểm và sửa đổi
Khám phá ra những điểm mạnh của bản thân và phát huy nó trong cuộc sống cũng như công việc là một trong những điều rất đáng tôn vinh của những người mang chỉ số EQ cao. Họ biết được mình giỏi và có khả năng trong lĩnh vực nào, đâu là lợi thế của bản thân. Từ đó, họ sử dụng năng lực một cách hiệu quả để đạt được thành công như kì vọng.
Họ ‘’biết người biết ta’’, tự thừa nhận những thiếu sót, sai lầm của chính mình và tìm cách khắc phục, sửa chữa chúng. Họ thích nghi trong mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ, hành vi đa dạng
Các nghiên cứu đã cho thấy, người có chỉ số EQ cao thường phù hợp với các công việc đòi hỏi sự sáng tạo, năng lực truyền tải động lực như giáo viên, giảng viên, diễn giả hay các nhà lãnh đạo. Sở dĩ, chúng ta trải qua rất nhiều trạng thái cảm xúc nhưng không phải ai cũng biết biểu đạt thành ngôn từ. Người có chỉ số EQ cao bản thân họ đã định hình khá chính xác về trạng thái tâm lý của bản thân, hơn nữa với sự linh hoạt khéo léo cùng vốn từ sâu rộng, họ dễ dàng chuyển đổi cảm xúc thành thứ dễ dàng được miêu tả.
Độ lượng và biết cách dung hòa các mối quan hệ xung quanh
Họ giàu lòng nhân ái, bao dung. Những người có chỉ số EQ thường rất ít thù hận, họ cho rằng mọi hiểu lầm, xung đột đều có thể hóa giải theo một cách thức nào đó. Đó cũng là lí do họ có thể làm việc cùng đồng nghiệp, những người ban đầu không có mấy thiện cảm với họ. Họ biết cách né tránh những vấn đề có thể gây tranh cãi, căng thẳng, tạo không khí vui vẻ, hài hòa trong môi trường sinh sống và làm việc.
Năng suất lao động và tinh thần trách nhiệm cao
Tất nhiên rồi, đây là một trong những biểu hiện khá rõ ràng của người có chỉ số EQ cao. Họ là một người có năng lực, hơn nữa còn biết cách sử dụng năng lực của mình đúng việc, đúng thời điểm tạo ra hiệu quả công việc vượt trội. Họ có ý thức về quyền hạn cũng như nghĩa vụ của mình trong công việc, ghét sự tắc trách và thất hứa. Có thể nói, những người có chỉ số EQ cao đa phần đều là những con người rất uy tín và chuyên nghiệp.
Cách kiểm tra chỉ số EQ chính xác
Hiện nay có rất nhiều bài trắc nghiệm giúp con người kiểm tra chỉ số EQ của bản thân nhanh chóng, tuy nhiên chỉ có 2 mô hình được chấp nhận rộng rãi trong các tài liệu khoa học là mô hình cảm xúc Năng Lực (ability EI model) và mô hình cảm xúc Đặc Điểm (trait EI model).
Mô hình cảm xúc Năng Lực giúp người trải nghiệm kiểm tra chỉ số EQ dựa trên hành vi của họ, trong khi mô hình cảm xúc Đặc Điểm thiên về các câu hỏi tự trả lời bám sát với tính cách của bạn.
Mọi hình thức kiểm tra chỉ số EQ chỉ mang tính chất tương đối. Bởi tính cách con người và hành vi của họ sẽ được điều chỉnh theo thời gian, có thể nói việc kiểm tra chỉ số này mang tính thời điểm rất cao.
Một số thói quen giúp nâng cao chỉ số EQ


- Trò chuyện với bản thân nhiều hơn, quan sát những phản ứng cảm xúc đang xảy ra trong chính con người mình, từ đó tìm hiểu nguyên nhân và hướng cảm xúc trở nên tích cực.
- Cải thiện kĩ năng mềm như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng quản trị thời gian,…
- Tránh xa những rắc rối không liên quan đến mình, tìm cách hòa giải những hiểu lầm nhỏ, bỏ đi các mối quan hệ độc hại.
- Lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh, từ đó tìm ra cách tối ưu kết quả.
- Tự tạo động lực cho bản thân, suy nghĩ tích cực
- Giữ bình tĩnh và tìm cách xử lý linh hoạt trong mọi tình huống
- Suy nghĩ thận trọng khi đưa ra quyết định.
Bạn thấy không? Chỉ số EQ không phải không có cách thức nâng cao và cải thiện. Từ hôm nay, hãy rèn luyện cho mình những thói quen lành mạnh để cuộc sống ngày một chất lượng, nhanh chóng gặt hái thành công trong cuộc sống, bạn nhé!