Không phải tự nhiên khi xã hội phát triển, chúng ta càng cảm thấy con người thật đáng sợ. Họ có thể hành động để giết chết một ai đó, nhưng cũng có thể chỉ ngồi ở nhà gõ phím đã đủ dìm nguời khác xuống vực thẳm. Đó là lí do tại sao body shaming được coi như một vấn nạn, khi con người muốn thỏa mãn cái tôi ích kỉ trong mình. Bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu body shaming là gì và tác hại nghiêm trọng của nó.
Body shaming là gì?
Body shaming được hiểu là miệt thị ngoại hình, sử dụng lời nói cá nhân để chế giễu, chê bai người khác một cách thái quá, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người đối diện. Nạn nhân của body shaming nhẹ là cảm thấy khó chịu, nặng là bị tổn thương vô cùng lớn, suy sụp về tâm lý, có thể dẫn tới nghĩ quẩn và hành động tự làm hại chính mình, những người xung quanh. Vấn nạn body shaming ngày càng lan rộng bởi chính đối tượng thực hiện hành vi này không có ý thức về tác hại của nó đối với đối phương.


Một số câu nói mang tính body shaming thường gặp phải kể đến như ‘’Sao dạo này béo thế?’’, ‘’Gầy như nghiện’’, ‘’Khiếp cái váy này cậu mặc nhìn như có bầu’’, ‘’Mặt mụn như này nhìn có khác gì cái tổ ong không?’’. Body shaming không dừng lại ở việc miệt thị ngoại hình mà còn đi quá đà đến giới hạn khi nhiều người có sở thích kì quặc là phán xét năng lực, công việc, tương lai của người khác. Những câu chào hỏi tiếp chuyện kiểu như ‘’Mày làm cái đó thì bao giờ mới xây được nhà?’’, ‘’Thằng đó tao thấy chẳng có tài cán gì?’’. Kèm theo đó là các từ cảm thán mang tính chất gây thêm sự nặng nề cho câu nói như ‘’Khiếp’’, ‘’Eo ơi’’, ‘’Đấy biết ngay mà’’.
Điển hình cho việc lạm dụng body shaming như câu cửa miệng là chính bản thân người nói coi đó là vui đùa, đùa tí có gì căng, đùa cho vui. Họ coi lời nói của họ là bình thường, không quá nghiêm trọng, đôi lúc còn trách người nghe sao cứ phải làm quá lên.
Body shaming thường xảy ra với ai, ở đâu?
Body shaming xảy ra với hầu hết mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, địa vị và hoàn cảnh. Việc miệt thị ngoại hình người khác xảy ra thường xuyên ở cuộc sống đời thường, người với người tiếp xúc qua lại. Mạng xã hội ngày càng phát triển, bình luận trên các trang mạng không được quản lí, đôi lúc các bình luận vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, có tính sát thương ghê gớm không có ai quản, dân cư mạng cứ thế buông lời cay đắng rồi mặc sức hả hê. Họ đánh giá, chỉ trích, phán xét những người thậm chí họ chưa từng gặp gỡ.
Các idol, người nổi tiếng, người của công chúng là đối tượng dễ gánh hậu quả của body shaming lớn nhất với sức ảnh hưởng đến đông đảo cộng đồng. Body shaming gián tiếp của cư dân mạng qua việc sử dụng internet là hành động vô cùng thiếu văn hóa.
Đáng nói hơn, việc người khác body shaming mình là việc không ai cấm cản được, vì miệng là miệng của họ. Những có một số người, là nạn nhân của body shaming, sau đó dần trở nên tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình. Họ tự nghĩ mình cũng xấu xí, đáng sợ y như cách người khác nói về họ. Sau đó, họ rơi vào vũng lầy không lối thoát. Bị body shaming là điều ai cũng gặp phải trong cuộc sống, dù ít dù nhiều, nhưng nếu tỉnh táo chúng ta đều có thể thoát ra và bài trừ nó, còn không, chính chúng ta là người trực tiếp giết mình thì không một ai có thể cứu vãn được.
Ảnh hưởng nghiêm trọng của body shaming đến tâm lí con người
Body shaming như đã nói ở trên, mức nhẹ thì khiến con người ta cảm thấy khó chịu, nặng hơn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Bạn chỉ cần có một điều gì đó trên cơ thể làm nhức mắt đối phương, nhanh chóng có thể trở thành trung tâm để người ta bàn tán. Một chiếc mũi tẹt, một khuôn mặt hơi to, một làn da không được mềm mịn,…đều là lí do cho người đối diện tự cho mình cái quyền thoải mái chê bai. Và tất nhiên, nghe lần 1 bạn cảm thấy ôi sao người này vô duyên thế, nghe đến lần 2, lần 3, bạn khó chịu, quá nhiều lần như thế bạn sẽ phát điên. Đó không khác gì sự xúc phạm dai dẳng cả.
Các bạn ở lứa tuổi dậy thì, là độ tuổi tâm sinh lí diễn ra nhiều phức tạp, dễ nhạy cảm, suy nghĩ, tổn thương thì body shaming gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đặc biệt ở giai đoạn này, sự thay đổi về sắc tố da, giọng nói, chiều cao,…có biểu hiện rõ rệt. Khi bị chê bai, các bạn trở nên nhút nhát, tự ti và khép kín hơn. Không dám giao du, không dám thể hiện mình. Tâm lí luôn rơi vào trạng thái bất ổn.


Với một nước có nền giải trí hàng đầu như Hàn Quốc, body shaming để lại hệ lụy lớn. Không ít các sao Hàn vì những lời chỉ trích, nhục mạ của cư dân mạng mà rơi vào trầm cảm hoặc tự cướp đi mạng sống của chính mình. Cũng chính vì suy nghĩ idol sống được là nhờ tiền của khán giả, nên họ cho phép mình thỏa sức ‘’nhận xét’’ ‘’đánh giá’’ bằng mọi ngôn từ có thể nghĩ ra. Trước khi tự tay tước đoạt đi mạng sống của mình, họ đã từng phải tìm đến các bác sĩ tâm lí để có thể bình ổn lại. Việc 1 ca sĩ hay diễn viên Hàn Quốc không có gương mặt Vline đúng chuẩn sẽ trở thành chủ đề bàn tán xôn xao của cộng đồng mạng, đó có lẽ cũng là lí do người người nhà nhà đua nhau đi phẫu thuật thẩm mĩ.
Phẫu thuật thẩm mĩ thành công thì không sao, có người sửa nát mặt vẫn không ưng ý, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Không phải vì họ không ưng ý, ban đầu có lẽ họ cảm thấy bản thân như này là đủ, nhưng chính những lời lẽ chê cười của những người xung quanh khiến tiêu chuẩn về cái đẹp của họ ngày càng cao. Con người đâu có a sinh ra là hoàn hảo, nên hành động đó không khác gì chạy theo mong muốn của người khác một cách mù quáng, không có điểm dừng.
Giảm cân phản khoa học cũng là 1 trong những hệ lụy to lớn body shaming gây ra. Khi chỉ cần ai đó chê bạn béo một chút, bất chấp mình không có chút kiến thức nào về chăm sóc sức khỏe, bạn lao như một con thiêu thân nhịn ăn ngày qua ngày. Dạ dày chịu cú sốc mạnh khi lượng thức ăn thay đổi, cơ thể mệt mỏi rệu rã.
Làm gì khi bị body shaming?
Không ít thì nhiều, bạn từng là nạn nhân của body shaming. Nếu không sáng suốt nhìn ra hậu quả và trang bị cho mình cách ứng phó phù hợp, bạn sẽ chết trong vũng lầy mà người khác vô tình hay cố ý tạo ra. Hãy ngăn chặn sự tái diễn của body shaming bằng cách thể hiện rõ thái độ không thích, khó chịu của bạn. Bạn có thể phản ánh cho người đối diện theo cách nhẹ nhàng hay gay gắt tùy thuộc mức độ nặng nề của câu nói. ‘’Mình không thích cậu nói mình như thế này’’, ‘’Đẹp xấu gì cũng là ba mẹ mình sinh ra’’ hay ‘’Cậu không thấy như vậy là rất xúc phạm người khác à?’’
Yêu thương bản thân là một trong những tips hàng đầu giúp bạn bình tâm khi đối diện vớ body shaming. Trước khi yêu thương bạn nên nhìn rõ ưu, nhược điểm trên cơ thể mình để không may có bị chê sẽ không sốc. Chấp nhận những điểm chưa thực sự hoàn hảo của bản thân, giữ cho mình thái độ sống tích cực.


Coi body shaming như động lực để hoàn thiện mình. Lấy những câu nói tiêu cực làm đòn bẩy để chứng minh bất kì ai cũng có thể thay đổi, thay đổi bởi muốn toàn diện hơn chứ không phải chạy theo mong muốn của người khác. Để không là nạn nhân của body shaming, chính bản thân chúng ta cũng nên học cách góp ý với người khác sao cho khéo léo và dễ tiếp nhận. Mình tôn trọng đối phương sau đó mới có thể mong cầu đối phương tôn trọng mình.
Body shaming thực sự đang trở thành vấn nạn nhức nhối cần được ngăn chặn. Mỗi người cần nhận thức về nó để mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp.